Các giai đoạn của cuộc mổ lấy thai Mổ_lấy_thai

Thời điểm mổ lấy thai

Thích hợp nhất là khi đã vào chuyển dạ, lúc này đoạn dưới tử cung đã được thành lập.

Đối với mổ lấy thai vì vết mổ cũ, các bác sĩ thường mổ ngay lúc bắt đầu chuyển dạ, thai nhi đã trưởng thành, và cổ tử cung đã mở tránh nguy cơ bế sản dịch.

Đối với vết mổ cũ dọc thân tử cung, thì các bác sĩ lại chủ động mổ sớm vì nguy cơ nứt vết mổ cũ, vỡ tử cung ngay cả khi chưa có chuyển dạ.

Chọn phương pháp vô cảm

Các phương pháp vô cảm thường dùng là mê nội khí quản, tê ngoài màng cứng và tê tuỷ sống.

  • Gây tê ngoài màng cứng: kỹ thuật khó nhưng có nhiều lợi điểm do ít tác dụng phụ, thuốc không vào máu, không đến được thai. Nên phương pháp này hay được chọn lựa, nhất là trong trường hợp mổ lấy thai ở bệnh nhân vết mổ cũ, tiên lượng cuộc mổ kéo dài do vết mổ cũ gây dính phải gỡ dính.
  • tuỷ sống: kỹ thuật đơn giản hơn, duy trì lâu và thuốc cũng không qua được thai nhi, các được thư giãn tốt. Nhưng lại có nhiều tác dụng phụ hơn, nhất là tác dụng tụt huyết áp. Do đó không thích hợp với những trường hợp choáng, mẹ mất máu nhiều, thai suy, huyết áp không ổn định.
  • Mê nội khí quản: thời gian chuẩn bị ngắn, thích hợp cho mổ cấp cứu, ít tác dụng phụ. Nhưng thuốc qua nhau thai, đến thai, vì vậy kể từ lúc dẫn đầu mê đến lúc lấy em bé không được quá 5-7 phút. Người ta không chọn mê nội khí quản cho những trường hợp dự kiến là khó khăn, cho bệnh nhân có bệnh lý hô hấp, bệnh lý gan-thận.

Rạch bụng

  • Đường trắng giữa trên xương vệ (xương mu): đường cơ động, rộng, vào tử cung nhanh. Đồng thời cũng ít chảy máu hơn.
  • Các đường ngang trên xương vệ: thường được làm hơn cả vì ít đau hơn, giảm nguy cơ thoát vị thành bụng, bộc lộ vùng chậu rất rõ ràng và thẩm mỹ hơn.

Rạch tử cung

Có hai phương pháp rạch tử cung để vào buồng tử cung lấy thai.

  • Đường rạch ngang đoạn dưới tử cung:Trong 90% các trường hợp mổ lấy thai, đường rạch ngang đoạn thấp tử cung được áp dụng. Đường này rạch ở tử cung phía cao hơn bờ trên bàng quang (đáy bàng quang) khoảng 1–2 cm và hơi thấp hơn đường mở phúc mạc.
  • Đường rạch dọc tử cung: Do có nhiều khuyết điểm nên đường mổ này chỉ dùng trong một số trường hợp hạn chế như: Nhau tiền đạo mặt trước, ngôi ngang, vết mỗ lấy thai cũ quá dính, thai non tháng, nhau cài răng lược, tránh nhân xơ ở đoạn dưới thân TC.

Tuy nhiên trong những trường hợp trên vẫn có thể dùng đường mổ ngang đoạn dưới tử cung. Tuy nhiên có một chỉ định tuyệt đối của mổ đường dọc thân tử cung đó là mẹ có ung thư cổ tử cung xâm lấn.

Lấy thai

Thai nhi đang được lấy ra
  • Ngôi đầu: đưa bàn tay vào phía dưới đầu thai, đẩy đầu lên ngang với mép đường mở TC, tay kia đẩy nhẹ nhàng ở đáy TC để ngôi thai trượt trên bàn tay đi ra khỏi vết mổ.
  • Ngôi mông: lấy thai từ chân hay mông.
  • Ngôi ngang: lấy thai bằng chân thai.
  • Với đường mổ dọc thân: lấy thai bằng chân.

Sổ nhau

Lóc nhau bằng tay nếu chảy máu nhiều, còn nếu ít chảy máu thì có thể chờ tử cung co hồi và nhau tự bong.

Sau đó bệnh nhân sẽ được truyền Oxytocin giúp tử cung co hồi tốt.

Khâu tử cung

Có thể khâu một hoặc hai lớp. Riêng đường mổ dọc thân cần phải khâu nhiều lớp.

Khi khâu phải lấy toàn bộ lớp cơ, phẫu thuật viên sẽ không lấy cả lớp niêm mạc tử cung vì nếu để niêm mạc lọt vào giữa vết mổ bệnh nhân có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung sau này.